Pages

Blog đang trong quá trình hoàn thiện, mong nhận được ý kiến ghóp ý khanhhung0379@gmail.com

 

Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

Đặc sắc lễ hội Mường Đòn xứ Thanh

0 nhận xét
Theo tục lệ, vào ngày 18 tháng giêng hằng năm, lễ hội Mường Đòn của xã Thành Mỹ (huyện Thạch Thành – tỉnh Thanh Hoá) được tổ chức với nhiều nét văn hoá rất đặc sắc.

Lễ hội diễn ra nhằm tưởng nhớ công trạng khai ấp, lập Mường của ông Vũ Duy Dương và em gái ông là bà Vũ Thị Cao người ở Yên Mô (Ninh Bình). Thời Vua Lê Trang Tông, ông là một tướng tài, được giao giữ chức Bang biện tòng thất phẩm văn giai Quận công đô đốc, Tổng trấn vùng đất phía tây Thanh Hóa. Trong một trận giao tranh ác liệt cùng binh tướng nhà Mạc, ông bị chém giữa đám hỗn quân, nhưng vẫn bám chặt mình ngựa về đến Mường Đòn (nơi đóng quân) mới hy sinh. Tưởng nhớ công lao to lớn của ông, Vua Lê Trang Tông ban cho sắc phong là Bạch Mã Linh Lang thượng đẳng thần và được dân làng lập đền thờ ở Vân Phong và tôn làm thành hoàng của làng.
                                              Thi bắn nỏ - một trò chơi truyền thống mang đậm bản sắc văn hoá Mường.


Hội Mường Đòn có thể kéo dài tới 5 ngày với rất nhiều các hoạt động truyền thống thể hiện sự giao thoa văn hóa giữa hai dân tộc Mường - Kinh. Tham gia hội làng còn có đông đảo người dân của các làng, các xã kết chạ xung quanh. Nét độc đáo ở lễ hội này chính là dù sử dụng tiếng nói riêng của người Mường, nhưng lại duy trì các trò diễn tuồng và hát bội mà ca từ bằng tiếng Kinh từ nhiều năm nay.

Tuy nói là đến 18 tháng giêng, nhưng ngay khi đất trời mới kịp chớm tiết xuân - những ngày cuối tháng chạp, không khí lễ hội ở Mường Đòn đã rất nhộn nhịp. Những trai làng khỏe mạnh, khéo tay đứng ra dựng giậu, làm cây nêu và trồng cây đu ngay sân trước của đình làng. Từ ngày 27 trở đi, các gia đình chuẩn bị gạo, thịt và bánh trái phục vụ cho ngày Tết Nguyên đán và cho ngày hội quan trọng này.

Vào ngày mùng 1 tết, tất cả đàn ông tuổi từ 52 trở lên (được gọi là các lão Mường) tập trung tại nhà trưởng tộc cùng làm cỗ để mang sang lễ ở đền Ông và đền Bà. Điều đặc biệt, trên mâm cỗ buộc phải có chiếc bánh chưng được gói từ 10 đấu gạo nếp thơm. Khi gói, nghiêm cấm để bất kỳ hạt gạo nào vỡ, bánh phải dày 10 phân. Hội đồng già làng theo dõi chặt chẽ từ các khâu chọn lá, chọn gạo, làm khuôn và kích cỡ cho đến khi bánh được vớt ra khỏi nồi. Lễ ngày tết chủ yếu chỉ khấn cầu thành hoàng phù hộ độ trì cho con cháu trong làng năm mới làm ăn phát đạt, tránh mọi bệnh tật, gặp nhiều may mắn...

Đến chính hội, rất đông dân làng kéo đến tham dự, tạo nên một không khí ấm áp, đậm chất văn hóa Mường. Một nét đặc sắc khác trong lễ hội Mường Đòn còn nằm ở các giá trị văn hóa ẩm thực được biểu hiện ở việc thi làm cỗ để tế thần. Trong đó không thể thiếu được món cá đồ mà nguyên liệu chính là cá trắm to, hoa chuối thái nhỏ, lá đu đủ, củ sả và các gia vị khác. Cá tối thiểu phải nặng từ 3kg trở lên. Khi đặt cá lên mâm, cá không được rơi vảy, xước vảy, cháy vảy. Ngoài ra còn có các món thịt lợn thui, muối trắng xếp trên lá chuối, chả thìa, chả lá bưởi, xôi, rượu và các loại bánh. Các món bánh đều do người dân tự làm bằng nguyên liệu bột nếp và mật mía với cách đồ, hấp cổ truyền. Ban giám khảo do làng cử ra sẽ theo dõi về thời gian làm cỗ, số lượng đồ tế lễ, chất lượng của vật lễ và tập trung chủ yếu vào chấm các mâm bày cá thờ.

Những ngày diễn ra lễ hội, người dân địa phương và cả khách tứ xứ đều thoải mái vui những trò chơi dân gian như ném còn, kéo co, đánh mảng, hát bội, hát séc bùa, dự hội cồng chiêng. Và khi thời gian của lễ hội kết thúc, mọi người ra về nhưng trên môi ai cũng đều đọng lại nụ cười tươi tắn của mùa xuân núi rừng nơi đây.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét